×
×

Sẽ áp dụng lương hưu ở mức cao nhất có thể từ 1/7/2024

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, đã đề xuất người được hưởng lương hưu từ ngày 1/7/2024 khi cải cách tiền lương cũng được áp dụng ở mức cao nhất có thể.

Vấn đề cải cách tiền lương và lương hưu từ ngày 1/7 tới đây tiếp tục là chủ đề nhận được sự quan tâm của đông đảo người lao động và người về hưu.

Lo áp lực lạm phát khi cải cách tiền lương

Tại Nghị trường Quốc hội sáng 6/6, chất vấn Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã rất nỗ lực kiểm soát chặt chẽ lạm phát.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội về lo ngại lương tăng, giá hàng hóa tăng theo.

Tuy nhiên, theo đại biểu Mai Thị Phương Hoa, áp lực điều hành lạm phát vẫn còn rất lớn, nhất là sắp tới sẽ triển khai cải cách tiền lương từ 1/7. Đại biểu đề nghị cho biết công tác điều hành giá trong thời gian tới để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát?

Trả lời chất vấn của đại biểu, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ, trong bối cảnh hiện nay, vấn đề lạm phát liên quan rất nhiều đến các mặt hàng thiết yếu. Trong đó, Việt Nam là một nền kinh tế mở nên nhập khẩu khá nhiều vật tư, nguyên liệu. Điều này sẽ phụ thuộc vào thị trường thế giới.

“Trong khi chúng ta đang thực hiện nhiều gói kích cầu và tăng lương thì đây có thể là một nguyên nhân dẫn đến biến động và ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, đặc biệt là vấn đề kiểm soát được tỉ số lạm phát như Quốc hội cho phép” – Phó Thủ tướng nhận định.

Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành triển khai rất quyết liệt các giải pháp đồng bộ, thông suốt trong đảm bảo sản xuất, cung ứng lưu thông và phân phối các mặt hàng, đặc biệt là các mặt hàng Chính phủ quản lý và kiểm soát về giá được điều chỉnh bởi một lộ trình phù hợp với thời gian phù hợp.

Liên quan đến tài khóa, cần phải quan hệ hết sức chặt chẽ với chính sách tiền tệ. Việc xử lý biến động giá vàng vừa rồi với những giải pháp của Chính phủ cũng nhằm mục đích để kiểm soát ổn định về giá trị của đồng tiền.

Cùng với đó, Chính phủ đã thúc đẩy, đưa ra các chính sách để hỗ trợ kích cầu tiêu dùng về du lịch, mua sắm… Đồng thời đã có nhiều chính sách để tăng đầu tư khu vực công, các cơ sở hạ tầng thiết yếu để đảm bảo cho sản xuất và kinh tế phát triển.

“Điều chỉnh nhịp nhàng giữa tăng trưởng kinh tế với phòng chống lạm phát, điều chỉnh kết hợp một cách hoàn hảo giữa chính sách tiền tệ và tài khóa thì chúng ta hoàn toàn có thể điều chỉnh được giá cả. Việt Nam có lợi thế là một quốc gia có gói giá cả thiết yếu như lương thực thực phẩm thiết yếu. Chúng ta hoàn toàn không có tỷ lệ lớn hàng hóa phải nhập khẩu các nguyên nhiên vật liệu. Đặc biệt là cần phải tính đến dự báo và có những hợp đồng có tính ổn định và dài hạn để kiểm soát tăng giá ở mặt hàng sản xuất này” – Phó Thủ tướng giải trình trước Quốc hội.

Người già có thể nghèo đi nếu bỏ mức lương hưu tối thiểu

Liên quan đến lương hưu, nhiều đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ lo ngại khi bỏ mức lương hưu tối thiểu sẽ khiến người già “nghèo đi”. Đại biểu Ma Thị Thúy – Tuyên Quang, cho biết Luật BHXH năm 2006 và Luật BHXH năm 2014 đều quy định mức lương hưu hằng tháng thấp nhất của người lao động tham gia BHXH bắt buộc bằng mức lương cơ sở tại Điều 56 Luật BHXH năm 2014 hoặc bằng mức lương tối thiểu chung tại Điều 52 Luật BHXH năm 2006. Trừ một số trường hợp ngoại lệ quy định này đã giúp cho nhiều nhóm lao động khi nghỉ hưu được hưởng chính sách an sinh xã hội tốt hơn, vì nếu thấp hơn sẽ được Quỹ BHXH hoặc ngân sách nhà nước điều chỉnh tăng thêm, bảo đảm ít nhất bằng mức lương cơ sở.

Đề nghị bổ sung thêm quy định về mức lương hưu hằng tháng thấp nhất bằng mức tham chiếu thay cho mức lương cơ sở đã bị bãi bỏ

Năm 2024, mức lương cơ sở đang là 1,8 triệu/người/tháng. Tuy nhiên theo Nghị quyết 27 về cải cách chính sách tiền lương, mức lương cơ sở sẽ bị bãi bỏ từ ngày 1/7/2024. Nếu coi mức lương hưu thấp nhất là tầng thấp nhất hưu trí xã hội với dự kiến là 500.000 đồng/người/tháng đã kéo lùi tiến bộ an sinh xã hội.

Theo đó, Đại biểu Thúy đề nghị Quốc hội, Chính phủ bổ sung thêm quy định về mức lương hưu hằng tháng thấp nhất bằng mức tham chiếu thay cho mức lương cơ sở đã bị bãi bỏ. Mức tham chiếu cụ thể tại thời điểm cải cách tiền lương phải bằng hoặc cao hơn 1,8 triệu đồng/tháng khoảng từ 8-15%, tùy theo tốc độ tăng tỷ lệ lương mới sau cải cách tiền lương vào ngày 1/7/2024 mới đảm bảo hài hòa giữa thu nhập người đang làm việc với người hưởng lương hưu, khoảng cách quá xa sẽ tạo sự bất bình đẳng trong xã hội, không bảo vệ được nhóm lao động yếu thế.

“Tôi xin nói rõ hơn mức 500.000 đồng/người/tháng chỉ tương đương với 33,3% mức chuẩn nghèo thu nhập khu vực nông thôn là 1,5 triệu và 25% so với mức chuẩn nghèo thu nhập thành thị là 2 triệu, như vậy mức sàn an sinh xã hội tối thiểu này sẽ tụt dốc không phanh”, bà dẫn chứng.

Do đó, nếu giữ được mức sàn tối thiểu ít nhất bằng hoặc cao hơn mức 1,8 triệu vào năm 2024 thì rất nhiều lao động yếu thế sẽ được hưởng cuộc sống an sinh ấm no, đủ sống hơn mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn. Đây là điều có lợi cho người dân, không thể bỏ đi.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH giải thích gì?

Trước nhiều băn khoăn, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh vấn đề nhiều đại biểu băn khoăn là bỏ quy định mức lương hưu thấp nhất. Theo Bộ trưởng, mức lương hưu thấp nhất thời gian vừa qua chỉ đúng cho một giai đoạn nhất định. Nhưng tới đây, khi thực hiện mở rộng bao phủ bảo hiểm xã hội, chúng ta bỏ mức lương hưu thấp nhất, không có nghĩa là không còn người tham gia bảo hiểm ở mức thấp hơn mức lương.

“Mức lương hưu thấp nhất hiện nay đang lấy mức lương cơ sở. Nhưng nếu như cứ để bắt buộc phải mức lương cơ sở này thì một loạt những người có nhu cầu không thể tham gia bảo hiểm được, vì không đủ điều kiện tham gia bằng mức lương tối thiểu.

“Tại sao không cho người ta thấp hơn vẫn tham gia được, tôi đóng thấp thì tôi hưởng thấp, nhưng hưởng thấp còn hơn là không có; hai là đã đóng thấp nhưng người ta được bảo hiểm y tế, đối với người già như thế là rất quý” – Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng cũng cho biết, khảo sát khu vực nông thôn thì phương án này người dân cho là phù hợp.

Liên quan đến cải cách tiền lương, theo người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH, việc cải cách tiền lương đã chuẩn bị hơn 20 năm, điều khó nhất của vấn đề này là không có tiền nhưng đợt này thì có tiền rồi, Chính phủ đã chuẩn bị được 680.000 tỷ đồng.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng cải cách tiền lương là vấn đề mới, phức tạp và cốt lõi là trả lương theo vị trí việc làm. Tuy nhiên, muốn trả lương theo vị trí việc làm thì phải xác định được vị trí việc làm.

Vị trí việc làm có ba đặc điểm gồm tính ổn định, tính lâu dài và tính thường xuyên. Kết cấu của mỗi vị trí việc làm gồm một bản mô tả công việc và khung năng lực. Từ đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chỉ ra ba đề xuất về cải cách tiền lương.

Cụ thể, về mức tham chiếu, theo Bộ trưởng, bản chất mức tham chiếu là một khái niệm mới thay thế cho mức lương cơ sở, bởi vì trong Nghị quyết 27 đã nêu là bãi bỏ mức lương cơ sở. Mức tham chiếu thực chất tính trên cơ sở tăng trưởng kinh tế CPI và trên thực tiễn thu, chi, thay cho mức lương cơ sở.

“Nếu thời gian tới chưa bãi bỏ ngay mức lương cơ sở thì chúng ta tiếp tục sử dụng. Nếu sau Nghị quyết 27 nâng lên một bước nữa thì đó cũng vẫn là mức lương cơ sở và bản chất đó là tham chiếu” – Bộ trưởng cho biết.

Trước Quốc hội, Bộ trưởng Dung khẳng định rằng việc giải quyết chênh lệch lương hưu trước và sau ngày 01/7 không khó khăn. Ông giải thích rằng đây là vấn đề chuyên môn và đã được xử lý bằng Nghị định 42, áp dụng cho các đối tượng trước và sau năm 2023. Vấn đề này có thể giải quyết dễ dàng bằng cách tính toán theo nguyên tắc: đối với người hưởng lương sau ngày 1/7, chỉ cần tính phần CPI; còn đối với người hưởng lương trước ngày 1/7, sẽ bao gồm cả tăng trưởng kinh tế CPI và một phần tăng trưởng thực tế của quỹ.

Đối với cách tính lương hưu khu vực lực lượng vũ trang, Bộ trưởng cho biết ghi nhận ý kiến này và sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền.

“Đối với các khu vực khác liên quan đến hưu trí, chúng tôi với trách nhiệm cơ quan tham mưu đã đề xuất người được hưởng lương hưu ngày 1/7 khi cải cách tiền lương cũng áp dụng ở mức cao nhất có thể” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định. Đồng thời cho biết, có thể 6 tháng cuối năm 2024 và đầu năm 2025, cân bằng quỹ, không có kết dư, chấp nhận điều đó để đảm bảo quyền lợi cho người hưu trí.

Đối với người có công và đối tượng bảo trợ xã hội, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nói sẽ cao hơn một bậc so với công nhân, viên chức.

Related Posts

Đặt hàng đào tạo để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên

Công tác tuyển dụng giáo viên (GV) về giảng dạy tại tỉnh Long An thời gian qua vẫn gặp khó khăn. Vì vậy, tình trạng thiếu GV…

Lương tăng, giáo viên mầm non vùng cao có thêm kinh phí mua sắm đồ dùng cho trẻ

“Vợ chồng tôi và con nhỏ đang ở trọ, chi phí khoảng 2 triệu đồng/tháng. Được tăng lương, tôi sẽ đỡ được khoản tiền này”, cô Lùng…

Tăng lương cơ sở từ 01/7, cách tính các khoản phụ cấp cho giáo viên ra sao?

Hiện nay, các địa phương đã có những chỉ đạo về thực hiện lương mới cho cán bộ, công chức, viên chức hoặc truy lãnh lương mới…

Luật Nhà giáo đặt ra yêu cầu đổi mới đối với giáo viên

Cùng với những quyền lợi, Luật Nhà giáo cũng đề cập đến những nghĩa vụ người giáo viên phải thực hiện nhằm chuẩn hóa năng lực.Sáng 10/7,…

Mức lương hưu của giáo viên nghỉ hưu trước tuổi

Độc giả hỏi về mức lương hưu của giáo viên nghỉ hưu trước tuổi. Tôi là giáo viên nghỉ hưu trước tuổi. Xin hỏi, mức lương hưu…

Giáo viên tiểu học mong muốn được giảm định mức tiết dạy

Bộ GD&ĐT đã đăng tải dự thảo Thông tư quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, dự bị đại học trên cổng…